Khi cha mẹ ly hôn, dù ở với ai, đứa trẻ vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Mẹ bỏ đi khi con 18 tháng tuổi
Trong đơn xin ly hôn, chị trình bày chị và anh sống chung với nhau từ năm 2007, có đăng ký kết hôn. Đến năm 2009, chị sinh con trai. Trong thời gian sống chung do anh hay nhậu nhẹt, bỏ bê vợ con, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc nên ngày 5/9/2010, chị bỏ nhà chồng ra đi, để lại con cho chồng và bà nội nuôi dưỡng. Được cha mẹ khuyên răn, hơn một tháng sau, chị quay về nhà chồng nhưng không được chấp nhận. Chị ra ngoài sống một mình từ đó đến nay. Thấy không còn tình cảm với anh, chị làm đơn xin được ly hôn và xin được nuôi con.
Trình bày lý do kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm TAND TPHCM, anh cho rằng tòa sơ thẩm giao con cho chị nuôi là không hợp lý vì từ khi chị bỏ đi đến nay, cháu bé sống cùng cha và bà nội. Hồi nhỏ, cháu chưa nhận biết được gì thì không sao nhưng giờ cháu đã 3 tuổi, nếu thay đổi môi trường sống rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý của cháu. Anh ấm ức kể về những khó khăn của người đàn ông khi phải một mình nuôi con…
Phân bua với HĐXX, chị nói hồi bước ra khỏi nhà anh, chị tay trắng thì làm sao có thể mang theo con? Giờ chị đã có việc làm tương đối ổn định, đủ để hai mẹ con sống. Vả lại, mẹ chị cũng đã chấp nhận đón mẹ con chị về nhà sống chung, chị không cần phải lo về chỗ ở. Mặt khác, hiện nay, việc chăm sóc con hầu hết anh đều giao phó cho bà nội đã hơn 72 tuổi. “Dù hoàn cảnh hiện tại của tôi không tốt bằng anh nhưng tôi tin chắc rằng với lương tâm của một người mẹ, tôi sẽ chăm sóc con tốt hơn anh và bà nội cháu” – chị khẳng định.
Tòa đồng ý giao con cho cha
Nhưng lý lẽ chị đưa ra không thuyết phục được hội đồng xử án. Đợi cho chị trình bày xong, một thành viên của HĐXX đặt câu hỏi: “Hai năm trước, bà nội cháu cũng đã già, sao chị không nghĩ đến điều đó mà vẫn chấp nhận bỏ con lại cho chồng và bà nội nuôi? Giờ khi đứa trẻ đã quen hơi cha, gần bà nội thì chị trở lại đòi con? Hiện tại, cháu đang sống với cha và bà nội rất tốt, còn chị chỉ mới “tin” cháu về sống với chị sẽ tốt hơn chứ chưa có gì chứng minh. Mặt khác, với hoàn cảnh hiện tại thì anh có điều kiện kinh tế và chỗ ở ổn định hơn chị…”.
Đuối lý, chị viện dẫn thêm trong thời gian anh nuôi dưỡng con đã cố tình chia cắt tình cảm mẹ con khi chị tới thăm, muốn chở con đi chơi, anh cũng ngăn cản… Nghe chị nói, anh đứng lên trần tình: “Hoàn toàn không có việc tôi không cho cô ấy gặp con. Lúc trước, khi cô ấy bỏ đi, thằng bé còn quá nhỏ, mỗi khi mẹ về thăm rồi lại đi, nó khóc vì nhớ hơi mẹ, tôi không tài nào dỗ được nên có nhắn cô ấy là thỉnh thoảng hãy về…”.
Giờ nghị án trôi qua trong lặng lẽ. Ngồi cùng một băng ghế, anh và chị vẫn lặng thinh, không một lần nhìn nhau. Đặc biệt là chị, dù cương quyết đòi nuôi con là thế nhưng không hỏi anh một câu nào về đứa con chung bé bỏng của họ.
Cuối cùng thì yêu cầu của anh cũng được tòa án chấp nhận với nhận định tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án giao cháu bé chưa đầy 3 tuổi cho chị nuôi là đúng pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, cháu bé đã trên 3 tuổi, mặt khác từ nhỏ đến nay cháu vẫn sống cùng cha. Để ổn định cuộc sống của cháu bé, nghĩ nên chấp nhận yêu cầu của anh, tiếp tục giao cháu bé cho anh tiếp tục nuôi dưỡng.
Lợi ích của trẻ là trên hết
Theo khoản 1, điều 92 của Luật Hôn nhân và Gia đình, sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Theo điều 93, vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Theo điều 94, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
|
Theo Người lao động