Anh bấm điện thoại, dằn từng tiếng gọi vợ và mẹ trở về gặp anh lần cuối.
Sau một ngày làm việc mệt nhoài ở công sở, anh trở về nhà và bàng hoàng trước cảnh tượng tan hoang, vắng lạnh. Trên bàn làm việc của anh là hai bức tối hậu thư, một bức là của vợ, một bức là của mẹ. Hai bức thư được viết với lời lẽ khác nhau nhưng tựu chung đều tràn đầy tức giận, chứa chan nước mắt và đều dồn anh vào thế tiến thoái lưỡng nan, phải lựa chọn giữa một bên là mẹ, một bên là vợ.
Hai người phụ nữ “lắm chiêu”
Bức thư của mẹ được viết bằng những nét chữ run rẩy, to cồ cộ như chữ trẻ con tập viết, lời lẽ trong đó cũng rất giản đơn và giản tiện. Mẹ chỉ thông báo với anh rằng mẹ sẽ về quê, trả lại cho vợ chồng anh cuộc sống yên ổn. Mẹ gọi vợ chồng anh là “hai anh chị”, xưng “tôi”, cái giọng điệu hờn giận chẳng lẫn vào đâu được. Mẹ còn nói sẽ không bao giờ thèm lên Hà Nội nữa và sẽ không bao giờ thèm xen vào cuộc sống riêng của vợ chồng anh, anh đừng về nài nỉ làm gì, ý mẹ đã quyết.
Mẹ là người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời anh. Anh chỉ còn có mẹ là người ruột thịt. Bố mất sớm, một tay mẹ tần tảo nuôi anh khôn lớn. Nhà anh nghèo, mẹ đã phải nhịn ăn để nhường cơm cho anh, mặc áo rách để anh được tấm áo lành. Mẹ đã hi sinh nhiều vì anh. Thương mẹ, anh cố gắng học hành, rồi anh thi đậu Đại học Y. Ngày anh khăn gói lên Hà Nội theo nghiệp học hành, mẹ lại một mình lủi thủi ở quê làm ruộng, chăn lợn, chăn gà, kiếm tiền nuôi anh ăn học.
Sáu năm anh học Đại học là sáu năm mẹ vất vả chắt chiu từng đồng từng hào để gửi lên cho anh. Sinh hoạt phí nơi thành thị đắt đỏ, số tiền anh tiêu hàng tháng, dù đã cố gắng tằn tiện lắm, cũng đã là cả một món tiền lớn, một gánh nặng làm oằn cả đôi vai gầy guộc của mẹ. Nhưng mẹ chẳng bao giờ kể công với anh, mẹ chỉ âm thầm vun vén cho anh mà chẳng đòi hỏi ở anh bất kì điều gì. Anh đọc ở một cuốn sách có câu rằng: “Đời người ta là vay của cha mẹ, trả cho con cái” và thấy vô cùng thấm thía. Công ơn của mẹ, nghĩa tình của mẹ, cả cuộc đời này anh sẽ chẳng bao giờ trả hết được.
Rồi thời gian trôi đi thấm thoắt, anh học thành tài, trở thành bác sĩ ở một bệnh viện có tiếng. Vài năm làm việc cật lực, anh đã mua được một căn hộ chung cư nho nhỏ, anh đón mẹ lên ở cùng, tiện chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Mẹ anh lên Hà Nội, không bà con thân thích, hàng xóm láng giềng cũng chẳng thân mật như ở quê, cả ngày mẹ thui thủi ở nhà, quanh đi quẩn lại chỉ có chiếc tivi làm bạn. Anh cứ về đến nhà là mẹ lại mừng rỡ ra mặt, tíu tít chuyện trò, săn sóc cho anh từng bữa ăn, giấc ngủ như thể anh vẫn chỉ là một đứa trẻ. Anh là tất cả những gì mẹ có trong cuộc đời này.
Ngày anh đi lấy vợ, mẹ hụt hẫng biết bao. Cảm thấy như mình bị bỏ rơi, mẹ đâm ra hay giận dỗi vì những điều vặt vãnh. Nhiều lần, vợ anh làm mẹ tự ái, đòi bỏ về quê, anh phải “nịnh” hết lời, mẹ mới nguôi cơn giận. Chẳng biết tự bao giờ, mẹ anh trở thành một người ích kỉ. Trong thâm tâm, mẹ anh luôn sợ rằng anh có vợ rồi sẽ quên mất mẹ, vị trí của mẹ trong lòng anh sẽ không còn nữa, bởi vậy mẹ luôn có ý giành giật anh với cô vợ trẻ của anh.
Thỉnh thoảng, mẹ lại đau ốm, toàn những căn bệnh không rõ nguồn gốc, triệu chứng mập mờ để anh phải cuống cuồng lo lắng, chăm sóc. Có những hôm, mẹ anh rên xiết cả ngày vì một căn bệnh mà không bác sĩ nào chẩn đoán nổi, anh không yên tâm để mẹ ngủ một mình nên cả tối ngồi bên giường mẹ canh cho mẹ ngủ, mặc cô vợ trẻ chăn đơn gối chiếc. Mẹ cứ âm thầm chia rẽ tình cảm vợ chồng anh để giành anh lại phía mình.
Nhưng vợ anh cũng chẳng vừa, ban đầu cô còn chịu để mẹ chồng lấn lướt, nhưng càng về sau, cô càng tỏ rõ ý ganh đua. Mẹ chồng đau đầu thì cô cũng đau bụng, đau đến quằn quại, đau lên khóc thét lên khiến cho anh sợ hãi. Dù là bác sĩ nhưng anh cũng chẳng thể hiểu nổi căn nguyên căn bệnh của mẹ và vợ mình. Những lúc anh vắng nhà, vợ anh lại ra sức thể hiện và khẳng định vai trò người chủ gia đình của mình. Mặc kệ ý kiến của mẹ, cô làm mọi việc theo ý của mình. Vợ anh luôn có một suy nghĩ rằng cô là người đóng góp một nửa tài chính trong nhà, là hậu phương của anh, nên cô có quyền định đoạt chuyện gia đình.
Mẹ anh nghĩ mình bị con dâu bắt nạt nên kéo thêm một cô cháu họ ở quê lên, nói là để giúp việc, nhưng thực chất là để thêm người bênh vực, về “phe” với mình. Thỉnh thoảng mẹ anh lại xui cô cháu gái mách với anh những “tội” của vợ, nào là “tội” hoang phí, “tội” to tiếng với mẹ hay “tội” cư xử không tốt với cô cháu. Vợ anh cũng chẳng vừa, dăm bữa cô lại nỉ non vào tai anh những lời lẽ thống thiết rằng bị mẹ chồng đối xử quá nghiệt ngã, khắt khe, rằng mẹ chồng quá khó tính, cô cháu gái cậy có mẹ bênh nên quá hỗn hào… Đi làm về khát khô cổ, chưa được cốc nước mà anh đã ngay lập tức phải trở thành một “quan tòa bất đắc dĩ” để phân xử những vụ việc tủn mủn theo kiểu “chuyện bé xé ra to” giữa mẹ và vợ.
Mà trong vai trò quan tòa ấy, anh cũng chẳng thể là một người công minh, bởi không thể cứ theo lẽ thường mà phân xử, anh còn phải lựa đủ chiều để không làm mẹ phật ý cũng không làm vợ dằn dỗi. Có lần, anh lỡ “xử án” không đúng ý mẹ, y như rằng tối hôm đó, mẹ anh bỏ cơm, mặt khó đăm đăm, không nói với anh câu nào. Còn có lần, anh lại “xử” không hợp ý vợ, hậu quả là cả tuần đó vợ anh mặt mày sưng xỉa, không thèm đả động gì tới anh.
Khổ nhục kế bị kẹt trong “chiến sự”
Anh như cái bánh bị giằng co giữa hai người phụ nữ, nhiều lúc chỉ muốn đứt làm đôi. Có những khi, trong cái im lặng nặng nề của cả hai người phụ nữ quan trọng nhất đời mình, anh tủi thân vô cùng, anh nghĩ rằng cả mẹ và vợ anh chỉ vì quá ích kỉ mà đã chẳng nghĩ gì đến cảm nhận của anh, họ say sưa trong trận chiến đến nỗi quên mất rằng kẻ bại trận và chịu nhiều thương vong nhất lại chẳng là ai khác ngoài anh. Anh mệt mỏi và chán nản đến độ nhiều lúc chẳng muốn về nhà.
Có những hôm, anh đứng trước cửa nhà, nghe thấy bên trong văng vẳng vọng ra tiếng phụ nữ cãi cọ, anh cứ bần thần như vậy một lúc lâu rồi lại quay đi, ra quán bia ngồi đến tối mịt, khi chắc rằng cả mẹ và vợ đã đi ngủ, mới lại trở về. Anh đã chán phải phân xử, chán làm “trọng tài”, anh chỉ muốn được làm một người con, người chồng, người đàn ông trong gia đình êm ấm, hòa thuận. Cả mẹ và vợ anh đều có lí do riêng để tự cho mình là người “có tiếng nói nhất” trong gia đình, và họ dường như quên khuấy mất cái vị trí người chủ gia đình của anh.
Rồi một ngày như nhiều ngày khác, anh về tới nhà và bị cuốn ngay vào vòng xoáy của một vụ đôi co. Cả hai người phụ nữ đều cho rằng mình đúng và đòi anh phải “trả lại công bằng” cho họ. Anh vừa qua một ca cấp cứu bệnh nhân, mệt đến độ chẳng muốn cất lời. Chẳng nói chẳng rằng, anh đóng sầm cửa phòng, mặc kệ trận chiến nảy lửa của hai người phụ nữ. Sáng hôm sau, anh đi từ rất sớm, và đến khi về thì đã thấy cảnh tan hoang, vắng lặng, cả hai người quan trọng nhất đời anh đều đã bỏ đi, không quên buộc anh phải chọn chỉ một trong hai người.
Anh ngồi vò đầu bứt tai. Làm sao anh có thể chọn được? Anh không thể bỏ ai trong hai người. Nhưng anh lại quá mệt mỏi nếu cả hai cùng trở về và lại cãi cọ nhau như trước. Anh thức trắng một đêm. Chỉ một đêm thôi mà trông anh đã tiều tụy hẳn đi. Đôi mắt anh thâm quầng, cằm lủa tủa râu. Anh bấm điện thoại, dằn từng tiếng gọi vợ và mẹ trở về gặp anh lần cuối. Anh chẳng phải chờ đợi lâu, cả mẹ và vợ anh đều cuống cuồng chạy tới. Anh đang đứng ở ban công chênh vênh, gương mặt thất thần lộ rõ vẻ chán nản, mệt mỏi đến cùng cực. Trước mặt mẹ và vợ, anh tuyên bố mình sẽ nhảy xuống để kết thúc cuộc sống khổ ải này. Vừa nói, nước mắt anh vừa lăn dài, những giọt nước mắt mặn chát, hiếm hoi của người đàn ông mạnh mẽ.
Nhìn vào mắt anh, mẹ và vợ đều biết rằng anh không đùa. Họ cuống quít van xin anh, hai người phụ nữ cùng quì rạp xuống, khóc lóc thảm thiết. Nghe những lời tâm sự từ đáy lòng của anh, họ hiểu rằng họ quá quan trọng với anh, đến nỗi anh không thể lựa chọn và anh đã bị họ dồn đến đường cùng, anh chẳng còn biết làm gì và chỉ muốn tìm đến cái chết để được thanh thản. Họ đã làm anh phát điên. Mẹ anh mếu máo nói anh mà chết thì bà cũng chẳng muốn sống nữa, còn vợ anh thì nguyện sẽ đi theo anh. Cả hai người đều nhận ra sự ích kỉ của mình đã làm khổ anh đến thế nào, họ thề sẽ thay đổi. Anh chỉ đợi có thể để leo xuống, ôm lấy cả hai.
Từ sau lần đó, gia đình anh trở nên thuận hòa, yên ổn như chưa hề có sóng gió trước đây. Anh không còn phải nghe những tiếng cãi cọ, không còn phải phân xử, không bị giận dỗi… Sau này, mỗi khi nhớ lại, anh đều cười: “Lúc đó run lắm, mình sợ độ cao mà đứng chới với thế, tuột tay một cái thì…”. Nhưng đó là khổ nhục kế cuối cùng của anh để giữ lại hai người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình.
Viet Bao Theo_
(Theo vietbao)