Văn hóa thần truyền
Dương Chấn (杨震) thời Đông Hán tuổi nhỏ hiếu học, đọc sách nhiều, học vấn uyên thâm, được nhiều nhà Nho đương thời quý trọng. Vì là người Hoa Âm, ở phía tây Đồng Quan, nên Dương Chấn còn được tôn xưng là “Khổng Tử phía tây Đồng Quan” (关西孔子). Danh tiếng của Dương Chấn cũng khiến vùng Đồng Quan được mệnh danh là “Dương Chấn quan”.
Theo “Tục tề hài ký” (续齐谐记) ghi lại: cha của Dương Chấn là Dương Bảo (杨宝) năm lên chín tuổi có lần đến chân núi Hoa Âm chơi, gặp con hoàng tước bị diều hâu làm trọng thương rơi xuống gốc cây, lại bị kiến cắn.
Dương Bảo thấy tội nghiệp nên đã đưa hoàng tước về nhà chăm sóc cẩn thận. Sau một thời gian, khi vết thương hoàng tước khỏi hẳn lại thả cho bay đi. Thế rồi tối hôm đó có một thằng bé mặc áo vàng đến cảm tạ Dương Bảo, nói: “Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, vô cùng cảm tạ vì tấm lòng nhân ái của ngài đã cứu mạng tôi. Tôi xin tặng ngài bốn cái bạch hoàn để sau này con cháu ngài trong sáng như thế, được thăng quan đến Tam công. Xin báo đáp ơn cứu mạng của ngài!”
Sau này Dương Bảo lớn lên học thức uyên bác, thường ngày sống bằng nghề dạy học. Danh tiếng vang xa lên đến triều đình nên Dương Bảo được chiêu mộ ra làm quan. Dương Bảo không chấp nhận, lặng lẽ bỏ đi ở ẩn. Sau này Dương Bảo có con, đặt tên là Dương Chấn, ngay từ nhỏ đã nhờ ảnh hưởng dạy bảo của cha, giữ mình sáng như ngọc.
Dương Chấn là người con chí hiếu, luôn khắc ghi lời dạy của cha, chuyên tâm học hành, trong mười mấy năm liền triều đình liên tục cho mời ra làm quan nhưng Dương Chấn đều từ chối. Mãi đến năm 50 tuổi mới nhận lời. Năm đầu Diên Bình (năm 106), Hán An Đế lên ngôi, Dương Chấn nhậm chức Thái thú Đông Lai, sau làm Tư đồ, Thái úy… Dương Chấn làm quan liêm khiết, chính trực vô tư.
Có vị quan Huyện lệnh Xương Ấp là Vương Mật (王密) được Dương Chấn tiến cử làm quan, để cảm tạ Dương Chấn bèn nhân buổi tối đến nhà Dương Chấn biếu chục cân vàng báo đáp. Dương Chấn nói với Vương Mật: “Tôi vô cùng hiểu ông, chẳng lẽ ông không hiểu tôi sao? Tại sao lại tặng vàng cho tôi?” Vương Mật đáp: “Tôi biếu vàng cho ngài để báo đáp ân tình ngài đối với tôi, đây cũng là lẽ thường tình. Giờ là buổi tối, quanh đây cũng không có ai, không ai biết việc này đâu”.
Dương Chấn nghe nói thì nghiêm mặt: “Trời biết, thần biết, tôi biết, ông biết, sao gọi là không ai biết?” Dương Mật nghe nói thế thì đỏ mặt hổ thẹn, thế rồi mang vàng trở về. Điển cố “tứ biết” sau này trở thành câu chuyện nói về sự thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử.
Sau này Dương Chấn chuyển làm Thái thú Trác Quân, ông vẫn giữ trọng tấm lòng công chính liêm khiết, không bao giờ làm chuyện gì mờ ám. Các con của Dương Chấn ngày ngày chỉ ăn uống đạm bạc, đi ra ngoài cũng không ngồi xe như con cháu các vị quan khác mà chỉ đi bộ.
Người bạn thân của Dương Chấn thấy Dương Chấn làm quan Thái thú mà gia cảnh lại bần hàn như thế bèn nhẹ nhàng khuyên bảo ông: “ngài hãy nghĩ đến con cháu của mình mà tích lũy chút sản nghiệp.” Dương Chấn chân thành trả lời: “Để con cháu của tôi được tiếng là con cháu của vị quan trong sạch, gìn giữ cho chúng hai chữ ‘trong sạch’ là quý hơn mọi thứ trên đời, chẳng lẽ đây không phải thứ di sản đáng giá hay sao?”
Sau này Dương Chấn làm quan đến chức Thái thường, Thái úy, ông vẫn giữ tính cách cương trực trước sau như một, không chút thay đổi. Có vị đại thần muốn nhờ Dương Chấn tiến cử anh mình làm quan nhưng Dương Chấn kiên quyết từ chối. Vì những việc như thế khiến Dương Chấn bị nhiều kẻ quyền quý căm ghét, cuối cùng bị hại bởi những lời gièm pha thị phi, bị thu ấn bãi quan.
Bọn gian thần vẫn không chịu buông tha, tiếp tục nói lời gièm pha vu cáo với Hoàng thượng, đuổi Dương Chấn về quê nhà. Dương Chấn dừng lại dưới ánh chiều tà ở phía tây thành, buồn bã nói với con mình và các học trò: “Đời người không ai tránh khỏi cái chết, ta được triều đình ân sủng phong quan to, thế nhưng lại không thể tiêu diệt gian thần, giúp triều đình yên bình, ta không còn mặt mũi nào nhìn trời đất nữa!”Rồi ông lại căn dặn con mình: “Sau khi ta chết, các con chỉ cần dùng gỗ tạp làm quan tài cho ta, dùng vải bố che thân ta là được. Không cần an táng khu mộ tổ tiên, cũng không cần phải thờ cúng ta!” Căn dặn các con xong, Dương Chấn liền nâng ly rượu độc uống một hơi tự sát.
Dương Chấn là tấm gương sáng để lại cho con cháu nhiều bài học tốt đẹp, đó là những giá trị về sự minh bạch, chính trực, tinh thần hiếu học… Con cháu Dương Chấn nhiều người làm quan, họ đều kế tục được phẩm cách tốt đẹp của cha và tổ tiên. Con Dương Chấn là Dương Phụng, rồi đến cháu là Dương Phu, đều dốc chí hiếu học, có hiểu biết uyên bác, mọi người đều cho rằng họ đã kế thừa tinh thần của Dương Chấn. Còn Dương Chấn lại nói: “Chúng đã kế tục tinh thần của cha mình là Dương Bảo.”
Chắt Dương Chấn là Dương Cơ (杨奇) nhậm chức Thị trung thời Hán Linh Đế (156 – 189), đến cả vua cũng không a dua hùa theo. Dù Hán Linh Đế cảm thấy không thoải mái với Dương Cơ nhưng cũng phải thừa nhận: “Ngay đến bản thân mình mà ông ta còn dám xung đột, đúng là người kiên cường, thật xứng là con cháu của Dương Chấn!”.
Dương gia không hổ là gia đình có truyền thống hiếu học, có gia phong nề nếp, có gia giáo đáng ngưỡng mộ!
2015-07-22 11:26:16
Nguồn: http://tientri.net/van-hoa-than-truyen/hoang-tuoc-bao-an/