Khi tiêm kích gặp nạn, 97% phi công sử dụng ghế phóng K-36 để thoát hiểm và mặc dù được trang bị dụng cụ đầy đủ, họ vẫn phải có tinh thần thép để sinh tồn khi nhảy dù xuống biển.
Su-30 là một chiến đấu cơ đa nhiệm và hiện đại với nhiều tính năng rất linh hoạt tuy nhiên nó cũng không ít lần gặp nạn trong các chuyến bay. Và khi gặp sự cố, phi công Su-30 chỉ còn cách sử dụng “bảo bối” cứu mạng duy nhất, ghế phóng thoát hiểm K-36.
Ghế phóng K-36 được tập đoàn NPP Zvezda của Nga nghiên cứu sản xuất từ đầu thập niên 1980 để lắp đặt trên nhiều loại chiến đấu cơ của nước này, từ Su-25, Su-27, Su-30, Mig-29 cho tới tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi T-50.
Ghế phóng thoát hiểm K-36. |
Đến nay, tập đoàn NPP đã sản xuất tổng cộng hơn 12.000 ghế phóng K-36, và khoảng 97% phi công từng phải sử dụng đến hệ thống này trong tình huống khẩn cấp và họ đều có thể tiếp tục sự nghiệp bay. Những con số nói trên cho thấy loại ghế phóng này có tính an toàn rất cao.
Hệ thống ghế phóng K-36 gồm một tên lửa phóng, hộp số, hệ thống tựa đầu cứu sinh, cùng nhiều thiết bị cần thiết khác để đảm bảo phi công có thể vọt ra an toàn khỏi buồng lái trong thời gian ngắn nhất khi máy bay gặp sự cố.
Ghế phóng thế hệ mới K-36DM là thế hệ có thể gắn vừa vào hầu hết chiến đấu cơ trên thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cho bất cứ phi công nào và còn giúp phi công có thể cử động thoải mái hơn so với những phiên bản trước đây, đồng thời tầm nhìn phía trên và phía sau của phi công cũng được cải thiện đáng kể.
Ghế phóng K-36 có thể đảm bảo cho phi công thoát ra ngoài an toàn khi máy bay đạt vận tốc từ 0 đến 1.400 km/h, độ cao từ 0 đến 24.000 mét.
Ở những độ cao lớn, nơi không khí rất loãng, thiết bị bảo hộ và cung cấp ô-xy KKO-15 gắn kèm với ghế sẽ cung cấp đủ dưỡng khí cho phi công.
Cùng với hệ thống dù, bộ thiết bị sinh tồn, hệ thống ô-xy khẩn cấp và pháo sáng, toàn bộ chiếc ghế phóng này có trọng lượng khoảng 103 kg.
Tuy nhiên, hệ thống ghế phóng tân tiến nói trên chỉ bảo toàn mạng sống cho phi công thoát khỏi tiêm kích đang gặp nạn, trong trường hợp phi công nhảy dù xuống biển, mặc dù được trang bị đầy đủ nhưng họ vẫn phải nỗ lực và có tinh thần thép để có thể sinh tồn trên mặt biển lạnh và rộng lớn.
Theo trung tâm Đào tạo Cứu hộ và Sinh tồn thuộc không quân Pháp, có bốn bước mà các phi công bắt buộc phải thực hiện để có thể cứu lấy mạng sống của mình khi nhảy dù thoát hiểm xuống biển.
Đầu tiên, phi công phải giữ bình tĩnh tránh hoảng loạn đồng thời tiếp nước và tháo dù khỏi người, điều chỉnh trang phục cho phù hợp với nhiệt độ môi trường xung quanh. Sau đó, phi công cần tiếp cận và ổn định vị trí trên phao cứu hộ tự bơm.
Tiếp theo phải nhanh chóng kích hoạt vô tuyến điện hoặc bắn pháo sáng để báo hiệu vị trí cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Sau khi ổn định an toàn trên phao, phi công gặp nạn sẽ phải đảm bảo lượng nước cơ thể với máy lọc nước biển hoặc nước ngọt dự trữ được trang bị trong bộ cứu hộ.
Cuối cùng sau khi đảm bảo đầy đủ các bước trên, phi công sẽ tìm kiếm các nguồn thực phẩm. Trong thực tế, một phi công khỏe mạnh có thể sống sót suốt 15 ngày lênh đênh trên biển mà không cần đến thức ăn nhưng nếu thiếu nước, số ngày sống sót sẽ giảm xuống rất nhiều.
Một bộ dụng cụ sinh tồn cho các phi công hoạt động trên địa hình biển bao gồm một phao tự phồng dành cho người, một phao tự phồng dành cho thiết bị vô tuyến điện, pháo sáng chống nước, một số viên đạm, đường glucose để đảm bảo năng lượng cho phi công, một số chai nước uống có thể tích 100 ml, thiết bị lọc nước biển cỡ nhỏ, dao sắc, thiết bị câu cá và một số vật dụng như kính râm, son dưỡng môi chống nẻ.
Với những trang bị và kỹ năng trên, cơ hội sống sót của phi công khi phải nhảy dù xuống biển là rất cao, tuy nhiên họ vẫn phải giữ một tinh thần thép để sẵn sàng chịu đựng những thử thách phía trước khi phải đơn độc chống chọi với biển khơi, có thể trong nhiều ngày trời.
Phan Hoàng