Việc ông Trump cáo buộc ông Obama nghe lén điện thoại khiến ngay cả đội ngũ cố vấn của tân Tổng thống cũng phải bất ngờ. Thậm chí cáo buộc này còn được nghị sĩ đảng Dân chủ gọi là “cáo buộc mạo hiểm”.
Lời cáo buộc bất ngờ
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại của ông trong giai đoạn cuối của chiến dịch bầu cử năm 2016.
Trong một bình luận trên tài khoản Twitter hôm 4/3, Tổng thống Trump viết: “Thật tệ! Tôi vừa phát hiện ông Obama nghe trộm trong tháp Trump trước khi tôi đắc cử Tổng thống”. Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho cáo buộc này.
“Tổng thống Obama thật thấp hèn khi nghe lén điện thoại tôi trong cuộc bầu cử thiêng liêng đó. Đây là một bê bối Nixon/Watergate”, ông Trump viết trong một tweet. “Tôi cá là một luật sư giỏi có thể có vụ án để đời về sự thật rằng Tổng thống Obama đã nghe lén điện thoại tôi hồi tháng 10, ngay trước thềm bầu cử”.
“Việc một Tổng thống đương nhiệm nghe lén chiến dịch tranh cử trước khi diễn ra bầu cử có hợp pháp? Tòa án đã từ chối trường hợp này. Thật đáng thất vọng!”, tân Tổng thống đăng dòng trạng trái trên Twitter.
Không viện dẫn nguồn tin hay chứng cứ nào, ông Trump cho biết việc nghe lén diễn ra tại văn phòng của ông ở Tháp Trump, New York, song “không tìm ra điều gì”.
Việc ông Trump cáo buộc ông Obama nghe lén điện thoại khiến ngay cả đội ngũ cố vấn của tân Tổng thống Donald Trump cũng phải bất ngờ. |
Ông Trump đưa ra cáo buộc trong bối cảnh sự nghi ngờ về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông với Nga đang gia tăng.
Cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận Moscow đã tấn công và tiết lộ email của một số thành viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử mang về lợi thế cho ông Trump.
Về phía mình, ông Trump đã cáo buộc chính quyền Obama cố “hạ bệ danh tiếng” của ông.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm trong vòng hơn 1 tháng kể từ khi nhận nhiệm sở.
Trả lời phỏng vấn chương trình “Fox and Friends” hồi cuối tháng trước, ông Trump đã đổ lỗi cho ông Obama đứng sau các vụ rò rỉ thông tin nhằm vào chính quyền của ông. “Tôi tin rằng, ông Obama đứng đằng sau các vụ rò rỉ thông tin với mục đích chính trị. Rõ ràng là như vậy”, ông Trump cho biết.
Từ lúc ông Trump nhậm chức đến nay chính quyền của ông Trump liên tục đối mặt với các vụ rò rỉ thông tin mật, trong đó có nội dung các cuộc hội đàm đầu tiên của Tổng thống Trump với lãnh đạo thế giới ngoài ra còn là những thông tin rạn nứt nội bộ.
Cáo buộc “không đúng sự thực”
Không lâu sau khi ông Trump đưa ra những cáo buộc trên, người phát ngôn của ông Barack Obama bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Donald Trump về việc theo dõi điện thoại và khẳng định điều đó “đơn giản là không đúng sự thật”.
“Tổng thống Obama hay bất kỳ quan chức Nhà Trắng nào đều chưa chưa bao giờ ra lệnh theo dõi bất kỳ công dân nào của Mỹ. Mọi nhận định đi ngược lại điều này đơn giản là không đúng sự thật”, Kevin Lewis, người phát ngôn của cựu Tổng thống Obama, cho biết trong một thông cáo.
Ông Lewis nhấn mạnh trong một thông cáo: “Một nguyên tắc chủ đạo của chính quyền Obama mà không quan chức nào của Nhà Trắng được phép can thiệp vào bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào do Bộ Tư pháp tiến hành”.
Những cáo buộc của ông Trump khiến ngay cả đội ngũ cố vấn của ông cũng phải bất ngờ. Chính các cố vấn của tân Tổng thống cũng khẳng định không biết ông Trump đang ám chỉ điều gì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại của ông trong giai đoạn cuối của chiến dịch bầu cử năm 2016. |
Và các thành viên quốc hội cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa thì cho rằng cần phải điều tra hoặc có sự giải thích rõ ràng về những cáo buộc đó.
Adam Schiff, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ và là thành viên cấp cao của Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ gọi những cáo buộc vô căn cứ của Tổng thống Trump là “cáo buộc liều lĩnh”. Ông Adam Schiff cho rằng nếu có điều gì xấu hoặc sai trái xảy ra thì lực lượng chức năng phải điều tra và chỉ đưa ra kết luận khi có bằng chứng xác đáng.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden viết trên Twitter rằng hoặc là FBI đang điều tra hoặc là “ông Trump đang bịa nó. Dù là gì thì người Mỹ muốn có lời giải thích rõ ràng” cho chuyện này.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham thì khẳng định ông thấy lo lắng khi “Tổng thống nói rằng cựu Tổng thống đã làm điều gì đó bất hợp pháp” và khẳng định sẽ đi đến cùng chuyện này vì đó là trách nhiệm của ông.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse, một thành viên của đảng Cộng hòa cho rằng trước khi công bố trước công chúng, cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng sự việc. Và với ông Trump, một khi đã đưa ra cáo buộc thì cần phải có bằng chứng xác đáng.
Nhiều thành viên khác của đảng Cộng hòa cũng lên tiếng kêu gọi các cuộc điều tra liên quan tới việc rò rỉ những thông tin tình báo gần đây.
Chính quyền của ông Obama có quyền yêu cầu giám sát tòa nhà của ông Trump nếu chứng minh được nó là “trụ sở mật vụ của một thế lực nước ngoài”. Tuy nhiên, yêu cầu giám sát điện tử sẽ chỉ được áp dụng chừng nào nhận được cái gật đầu của tòa án liên bang.
Chính quyền Tổng thống Trump đang đứng trước áp lực từ Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các cuộc điều tra của quốc hội về những cuộc tiếp xúc giữa các cựu cố vấn của ông Trump với người Nga trong thời gian còn tranh cử.
Một loạt các cố vấn của ông Trump đứng trước nghi vấn có liên hệ với Nga. Đặc biệt, Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức vì nói dối các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ. Và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng đang đứng trước áp lực phải từ chức với lý do tương tự.
Xem thêm >> Vì chiến thắng bất ngờ của TT Trump, ông Obama trở lại chính trường?
Thanh Hiền
2017-03-04 21:32:05